Mạn bàn về câu hỏi ” Vong bản từ đâu” của ông Hà Sĩ Phu.

Thiên Nguyên

Hôm nọ đọc bài “Vong bản từ đâu” của ông Hà Sĩ Phu, tôi tuy thuộc thế hệ trẻ, song cũng rất đồng cảm với những ý kiến mà ông nêu ra. Sau đó vài hôm, lại được đọc bài “Ai rửa xe thuê” của ông Đinh Từ Thức, bỗng nhiên cảm thấy sốt sắng muốn đóng góp một vài góc nhìn theo quan điểm cá nhân về vấn đề trên.

Theo tôi, dọc suốt chiều dài lịch sử nước ta, nhất là khoảng một ngàn năm trở lại đây, nhân tài vào thời đại nào cũng có. Từ Lý Thường Kiệt, Lê Văn Thịnh, Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ, Chu Văn An, Nguyễn Hiền, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Du… Họ là những cá nhân kiệt xuất đã được lịch sử công nhận một cách nghiêm cẩn. Đặc biệt, đúng như ông Hà Sĩ Phu nhận xét, trong khoảng sau thời kỳ Pháp thuộc, đội ngũ những tinh hoa tri thức được nở rộ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thật khó hiểu, ở một giai đoạn nửa thực dân nửa phong kiến, nhân dân còn đang điêu đứng trong nghèo đói và thuốc phiện, mà cái sự học không những không bị vùi lấp mà còn trở nên mạnh mẽ hơn, sục sôi hơn. Có thể giải thích điều này như thế nào?

Như chúng ta đã biết, cho tới khoảng giữa thế kỷ XIX, về căn bản nước ta vẫn là một nước phong kiến lạc hậu quanh đi quẩn lại với những tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức; tóm lại là những khuôn vàng thước ngọc của nho giáo đã thành chuẩn mực từ hàng ngàn năm trước. Đặc biệt với chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn đã dẫn tới nước ta bị chậm tiến so với thế giới bên ngoài quá nhiều, đặc biệt là với phương Tây thì khoảng cách đó càng lớn. Lớn đến nỗi sứ thần triều Nguyễn là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ sau khi đi Pháp về đã kể những “chuyện lạ nước ngoài” như:

“Đèn thắp không dầu, ngọn lửa chúc xuống (đèn điện), giếng nước vọt lên cao (nước phun trong công viên) v.v..” Vua kinh dị giao cho đình thần bàn. Các quan bàn xong tâu:

– “Quy luật tự nhiên là nước chảy xuống, lửa bốc lên cao, trái lại là nghịch thường, không đúng sự thật. Bọn Phan Thanh Giản bị họ bầy trò quỷ thuật làm cho quáng mắt”. (theo Trung Bắc Chủ Nhật, 17.0.1943). Đến khi Pháp đưa tàu chiến đến đánh phá cảng Đà Nẵng, dân ta còn hoảng sợ khi gặp những vũ khí tối tân chưa từng thấy bao giờ, và cho rằng kẻ địch là bậc quỷ thần(!) Khi người Pháp thiết lập nền đô hộ lên nước ta, một mặt họ vơ vét tài nguyên khoáng sản, áp đặt nền cai trị thực dân. Nhưng mặt khác, [dù vô tình hay hữu ý] họ cũng mở toang cánh cửa văn hóa cho nền văn minh phương Tây ùa vào. Một cuộc đột phá vĩ đại về văn hóa. Các bậc chí sĩ nước ta từ đó đã bắt đầu hiểu rằng, đâu là cái đích mà loài người thực sự muốn hướng đến. Hơn nữa, nếu muốn dành lại độc lập tự chủ, cần phải có được sự văn minh của phương Tây. Vậy là một phong trào Tây học được hình thành khá rõ rệt, đặc biệt, dưới sự giúp đỡ của nền giáo dục Pháp, một nền giáo dục cực kỳ tiên tiến.

Cái thứ hai cần chú ý, cùng với sự tiếp cận văn minh phương Tây, chúng ta vẫn còn giữ lại được những truyền thống vốn có của dân tộc, trong đó có tinh thần hiếu học, coi trọng sự uyên bác hơn vinh hoa quyền quý. Nhà nước phong kiến thời xưa vốn đã đề cao những người học rộng hiểu nhiều, các vị đỗ đạt khoa bảng. Những người có lắm tiền nhưng không có học thì bị cho là phường trọc phú, không được coi trọng. Chu Văn An, Nguyễn Trãi, hay Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi công danh viên mãn đều đã lui về ở ẩn, chọn lối sống an bần lạc đạo. Có một điều thú vị là xã hội thời đó lại không có ác cảm với cái nghèo, ngược lại, coi nghèo là phẩm chất cần có của một kẻ sĩ. Như Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ “Nhàn”:

“Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

…..
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Rồi Nguyễn Công Trứ trong bài bài phú “Hàn nho phong vị phú”, có câu:

“…Đêm năm canh an giấc ngáy khò khò,
đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ…”

Hay như Nguyễn Khuyến trong “Chốn quê”:

“Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua”

Trong loạt truyện dân gian về Trạng Quỳnh, ta cũng thi thoảng bắt gặp hình ảnh của một trọc phú, thường đóng vai nhân vật phản diện, bị chê cười vì tuy giàu có nhưng dốt đặc.

Cái truyền thống hiếu học đáng quý ấy vẫn còn tồn tại âm ỉ cho đến tận giai đoạn cuối của thời kỳ Pháp thuộc. Trong các truyện ngắn của nhà văn Nam Cao ta vẫn gặp những nhân vật trí thức như “anh giáo” được mọi người tin cậy và tôn trọng.

Một khi xã hội vẫn đề cao tri thức, vẫn giữ gìn được truyền thống hiếu học của dân tộc, thì những giá trị tốt đẹp không thể bị mất đi hoặc thay thế bởi những giá trị rẻ tiền nào khác.

Song cho đến lúc cách mạng vô sản du nhập vào nước ta, người ta đã phá bỏ hết mọi giá trị cũ và thay bằng một tư tưởng mới tưởng như là đỉnh cao văn minh nhân loại. Song hệ tư tưởng đó đã dần bộc lộ những điểm yếu chết người và dần dần sụp đổ trong niềm tin của cả những con người bảo thủ nhất, thì bây giờ tất cả chúng ta như đang bơ vơ trong một thế giới rộng lớn mà không biết đâu là giá trị đích thực. Cộng với sự hội nhập ồ ạt của các nền văn minh, chúng ta như những người chết đuối về tư tưởng mỗi người cố bám lấy một cái cọc gần mình nhất. Nhưng hỡi ôi, những cái cọc ngoại lai, rác rến ấy đâu có một chút gì là hồn dân tộc?

Truyền thống hiếu học đã bị chà đạp, tri thức bị rẻ rúng. Bây giờ người ta tôn vinh những giá trị mới, đó là DANHLỢI. Một khi người ta coi đồng tiền là cứu cánh, thì người ta có thể bỏ qua những điều tối thiểu nhất về đạo đức. Người ta coi danh vọng là cứu cánh, và thế là người ta dùng mọi cách để trang hoàng cho cái bề ngoài một cách lố lăng nhất để che đậy đi cái rỗng tuếch bên trong, dẫn đến hệ lụy là một xã hội nhố nhăng bát nháo rởm đời như chúng ta thấy ngày hôm nay.

Muốn biết tương lai đất nước ra sao, gồm những con người thế nào, thực ra, rất đơn giản: Hãy xem giới trẻ hiện nay đang hâm mộ những ai. Họ hâm mộ những ai, đương nhiên họ sẽ muốn trở thành (giống) người đó.

Vậy ai là những người mà giới trẻ hiện nay muốn hướng đến? Giáo sư nào? Tiến sỹ nào? Nhà văn hóa nào? Học giả nào? Không đâu. Đó là doanh nhân Cường Đô la, cầu thủ Phạm Như Thành, ca sỹ Hồ Ngọc Hà, diễn viên Tăng Thanh Hà, Hoa hậu Mai Phương Thúy, người mẫu Trần Bình Minh… Đấy, tương lai nước Việt đại loại gồm những người như vậy.

Tóm lại, theo tôi, với câu hỏi: “Chúng ta vong bản vì đâu?”, tôi có câu trả lời rằng: Do sự sụp đổ của truyền thống hiếu học, và sự tôn sùng các giá trị mới là lợi danh thay cho các giá trị cũ là tri thức.

Hy vọng tôi đã phần nào làm rõ thêm vấn đề mà tất cả chúng ta đang cùng nhau đi tìm hướng ra.

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment